Khoa Kinh tế Chính trị (Mới)
 
Cơ hội hợp tác giữa Khoa Kinh tế Chính trị và Khoa Kinh Doanh, Đại học Newcasle, Australia




Cuộc gặp gỡ với GS. Morris Alman, chủ nhiệm khoa Kinh doanh (School of Business) thuộc trường Đại học Newcastle, Australia

Bên lề Hội nghị Kinh tế trẻ Châu Á 2019, một sự kiện khoa học lớn thu hút sự tham gia của hơn 400 học giả trẻ quốc tế đang diễn ra tại Đại học Quốc gia Hà Nội từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 8 với sự tham gia phối hợp đồng tổ chức của trường Đại học Kinh tế, chiều ngày 13 tháng 8, trường Đại học Kinh tế và khoa Kinh tế Chính trị đã có cuộc gặp gỡ với GS. Morris Alman, chủ nhiệm khoa Kinh doanh (School of Business) thuộc trường Đại học Newcastle, Australia. PGS.TS Nguyễn Anh Thu, phó hiệu trưởng trường ĐHKT, TS. Nguyễn Cẩm Nhung, trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác phát triển, PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp, chủ nhiệm bộ môn Quản lý kinh tế, TS. Nguyễn Thuỳ Anh, phó chủ nhiệm bộ môn Kinh tế chính trị của khoa đã tham dự cuộc gặp mặt này.

Tại cuộc gặp gỡ, sau khi giới thiệu thông tin chung về hai trường, các khoa, các chuyên ngành đào tạo và chia sẻ mong muốn có cơ hội hợp tác phát triển, hai bên đã trao đổi những ý tưởng nhằm cụ thể hoá các cơ hội này. Theo đó hai trường có tiềm năng phối hợp các hoạt động phù hợp nhu cầu và điều kiện của mỗi bên như: (1) Triển khai trao đổi sinh viên dài hạn hoặc ngắn hạn, phối hợp tổ chức thực tập, thực tế cho sinh viên, học viên cao học hoặc nghiên cứu sinh; (2) Phối hợp đào tạo với các bậc học cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ theo mô hình phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mỗi bên như công nhận tín chỉ, đào tạo trực tuyến, cùng hướng dẫn luận văn luận án; (3) Phối hợp trao đổi giảng viên theo các chương trình ngắn hạn, đồng tổ chức các hội thảo khoa học; (4) Phối hợp nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách với những chủ đề hai bên cùng quan tâm.

Đối với khoa Kinh tế chính trị, cơ hội phối hợp về đào tạo cho ngành cử nhân Kinh tế chất lượng cao có thể được hiện thực hoá thông qua những học phần cùng quan tâm của hai khoa như Kinh tế học về các vấn đề xã hội (Kinh tế y tế, Kinh tế Báo chí Truyền thông...), và tổ chức thực tế/trao đổi sinh viên ngắn hạn. Về nghiên cứu khoa học, một hướng được hai khoa cùng quan tâm là nghiên cứu về Kinh tế Hợp tác, một mô hình kinh tế và kinh doanh được xây dựng và phát triển với những nền tảng mới trong bối cảnh nền kinh tế số, hướng tới nền kinh tế bao trùm (inclusive economy) và phát triển bền vững.

Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục trao đổi cụ thể hơn về cách thức triển khai các hoạt động hợp tác với phương châm gắn sát nhu cầu thực tế của mỗi bên, tiến hành từng bước vững chắc và cùng đạt được lợi ích lâu dài cho hai trường và các khoa chuyên môn.



Khoa Kinh tế Chính trị